VÌ SAO BRANDING NGÀY CÀNG QUAN TRỌNG VỚI DOANH NGHIỆP? .

Tạo dựng hình ảnh nổi bật và sâu sắc trong tâm trí của khách hàng luôn là một yếu tố tất yếu đối với các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh thị trường hiện nay. 

Để làm được điều này, các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm đến khái niệm Branding và chú trọng đẩy mạnh, phát triển nó. 

Vậy Branding là gì? Và đâu là những yếu tố khiến nó ngày càng quan trọng với các doanh nghiệp? 

Branding là gì? 

Có gốc là từ “Brand” mang ý nghĩa “Thương hiệu”, Branding là khái niệm dùng để diễn tả quá trình xây dựng và tạo dựng thương hiệu của một doanh nghiệp. Cụ thể, Branding giúp doanh nghiệp tạo ra một hình ảnh, danh tiếng và ý thức của sản phẩm hoặc dịch vụ trong tâm trí khách hàng. Nó bao gồm tất cả các yếu tố khiến khách hàng liên tưởng đến sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp như tên thương hiệu, logo, khẩu hiệu, trải nghiệm và giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ.

Đây là quá trình tỉ mỉ và có chiều sâu, định hình cách mà mọi người nhìn nhận về thương hiệu của bạn. Branding giúp tạo nên sự đồng nhất và nhận dạng riêng cho sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu trong tâm trí của khách hàng.

Sức mạnh của Branding đối với doanh nghiệp 

Để thấu hiểu lý do thôi thúc các doanh nghiệp chú trọng đầu tư và phát triển Branding, bạn cần hiểu về sức mạnh và tác động của nó đối với các doanh nghiệp. 

Tạo dấu ấn khác biệt 

Trong một lớp học đông đúc, để được thầy cô nhớ đến chỉ sau vài buổi đòi hỏi học sinh phải tạo được dấu ấn khác biệt so với số đông còn lại (chức vụ, thành tích, ngoại hình nổi bật, …). Tương tự như vậy, trong một thị trường đầy rẫy những doanh nghiệp có cùng lĩnh vực kinh doanh, việc khiến khách hàng nhớ đến một cái tên nào đó đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng cho mình được danh tiếng, hình ảnh thương hiệu khác biệt và nổi bật. Hình ảnh thương hiệu được tạo nên từ các yếu tố trong Branding như slogan, logo, màu sắc thương hiệu, … những yếu tố này được gọi chung là Brand Identity (hệ thống nhận dạng thương hiệu). 

Tăng tỷ lệ khách hàng trung thành

Branding đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự thống nhất trong hình ảnh, thông điệp và câu chữ  đối với khách hàng của một doanh nghiệp. 

Từ đó, góp phần tạo ra sự nhất quán trong trải nghiệm người dùng. Nhờ sự nhất quán này, doanh nghiệp có thể tăng tỷ lệ khách hàng trung thành cho mình dựa trên kiểu hành vi mua hàng thường gặp của người tiêu dùng - mua hàng theo thói quen (Habitual buying behavior). Các khách hàng đã từng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp và quen thuộc với các yếu tố nhận diện thương hiệu sẽ có xu hướng trở lại để tiếp tục mua sắm.

Như vậy, doanh nghiệp có thể xem việc tăng tỷ lệ khách hàng trung thành là một thành công đáng kể. 

Thu hút khách hàng mới

Branding không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng sự trung thành của khách hàng hiện tại mà còn giúp thu hút khách hàng mới. Cụ thể, Branding sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng tập khách hàng tiềm năng sẵn có. Những khách hàng này có nhu cầu mua sản phẩm của doanh nghiệp, nhưng chưa chắc sẽ quyết định mua. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp xây dựng một hình ảnh và thông điệp hấp dẫn, thể hiện sự thống nhất và uy tín thông qua các yếu tố của Branding, họ sẽ dễ dàng nhớ đến thương hiệu hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Điều này làm cho họ có khả năng chọn sản phẩm của doanh nghiệp và thúc đẩy quyết định mua hàng.

Cạnh tranh hiệu quả

Branding giúp doanh nghiệp xây dựng cho mình một hình ảnh cụ thể thông qua logo, màu sắc, bộ nhận diện thương hiệu, … Những yếu tố này không chỉ giúp doanh nghiệp trở nên “khác biệt” so với các đối thủ khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh mà còn giúp khách hàng dễ dàng nhận ra sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của doanh nghiệp. Việc này đồng thời cũng giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường, góp phần tạo dựng nền tảng về hình ảnh thương hiệu để cạnh tranh hiệu quả hơn và gia tăng thị phần so với các đối thủ khác. 

3 yếu tố khiến Branding ngày càng trở nên quan trọng

Mặc dù chỉ mới bắt đầu được biết đến và có xu hướng phát triển từ cách mạng công nghiệp, Branding với khả năng tác động mạnh mẽ đến nhiều khía cạnh của doanh nghiệp đã và đang ngày càng trở nên quan trọng hơn trong quá trình xây dựng và phát triển của doanh nghiệp. 

Sự cạnh tranh khốc liệt

Mỗi ngày, có hàng ngàn doanh nghiệp đang cạnh tranh khốc liệt để thu hút sự chú ý của khách hàng. Trong bối cảnh đó, việc phát triển một thương hiệu phát triển mạnh về Branding không chỉ là lợi thế mà còn là yếu tố quyết định cho sự tồn tại và thành công của doanh nghiệp. Branding sẽ giúp doanh nghiệp của bạn nổi bật trong đám đông, tạo ra dấu ấn độc đáo và giữ chân khách hàng.

Ý thức của khách hàng

Khách hàng ngày càng tỉnh táo và thông minh hơn. Họ không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ, mà còn đánh giá và lựa chọn dựa trên vị thế và hình ảnh thương hiệu.

Một ví dụ điển hình là trường hợp của thương hiệu Cocoon, một thương hiệu mỹ phẩm thuần chay (vegan) của Việt Nam. Mặc dù được thành lập vào năm 2013, nhưng phải cho đến năm 2022, thương hiệu này mới thật sự có cho mình danh tiếng, được biết đến rộng rãi và có được thị phần riêng trên thị trường. Nắm bắt xu hướng tiêu dùng mỹ phẩm thuần chay, Cocoon xây dựng và đẩy mạnh hình ảnh thương hiệu thuần chay đồng nhất trên các nền tảng mạng xã hội - từ Facebook, Google, Instagram, Tiktok,... Với việc đẩy mạnh Branding bằng thông điệp “Cam kết 100% thuần chay từ thiên nhiên Việt Nam, không sử dụng nguyên liệu từ động vật và không thử nghiệm trên động vật”, Cocoon đã xây dựng được vị thế độc đáo trong ngành mỹ phẩm tại Việt Nam.

Qua trường hợp của thương hiệu Cocoon, có thể thấy rằng khách hàng muốn ủng hộ các thương hiệu có ý thức và tầm nhìn rõ ràng, đặc biệt là các thương hiệu thân thiện với thiên nhiên, môi trường. Vì vậy, xây dựng một thương hiệu có giá trị, đạo đức và tầm nhìn thông qua các yếu tố trong Branding là điều cực kỳ quan trọng để thu hút khách hàng.

Sự phát triển của truyền thông

Sự phát triển của truyền thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền tải các thông tin về thương hiệu, khiến chúng dễ dàng lan truyền và tiếp cận đối tượng mục tiêu một cách nhanh chóng. Mạng xã hội cũng đã tạo ra một môi trường để mọi người có thể tự do thể hiện quan điểm và ý kiến về thương hiệu, đồng thời giúp những quan điểm này lan truyền rộng rãi. Vì vậy, việc xây dựng và quản lý hình ảnh thương hiệu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nếu một doanh nghiệp có những thông tin nổi bật về sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu của họ và có khả năng biến thông tin này thành một hiện tượng trên các nền tảng xã hội, tạo ra hiệu ứng lan truyền mạnh (viral) thì điều này sẽ là một sự hỗ trợ lớn giúp doanh nghiệp thực hiện chiến lược Branding một cách hiệu quả hơn.

Trái lại, mọi sự thiếu sót hoặc vấn đề liên quan đến uy tín của doanh nghiệp, đặc biệt là khi chúng lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, nếu không được giải quyết kịp thời hoặc không có chiến lược xử lý thông minh, đều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với hình ảnh và danh tiếng của doanh nghiệp.

Khi Branding không chỉ dành cho doanh nghiệp 

Bản chất của Branding là quá trình xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp thông qua các yếu tố khiến khách hàng được gợi nhớ về sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của họ. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, khái niệm Branding đã vượt ra khỏi phạm vi của các doanh nghiệp, thương hiệu.

Thương hiệu cá nhân (Personal Branding) 

Trong thời đại chủ nghĩa cá nhân được đề cao và nêu bật, việc xây dựng thương hiệu cá nhân (Personal Branding) cũng vì vậy mà được quan tâm và chú ý đến. Nếu xây dựng thương hiệu doanh nghiệp (Branding) giúp doanh nghiệp tạo dựng được hình ảnh uy tín trong mắt khách hàng, để từ đó tăng tỷ lệ khách hàng trung thành, khách hàng mới thì thương hiệu cá nhân (Personal Branding) giúp cá nhân tạo sự khác biệt so với người khác. Điều này giúp nâng cao giá trị bản thân và đạt được các mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn về học vấn, mối quan hệ, chức vụ,... , và nhiều khía cạnh khác của cuộc sống.

Dự án cộng đồng 

Branding không chỉ là công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp mà còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dự án cộng đồng và phi lợi nhuận phát triển. 

Cụ thể, Các tổ chức và dự án phi lợi nhuận thường gặp khó khăn trong việc thu hút sự chú ý và hỗ trợ từ cộng đồng. Tuy nhiên, thông qua việc xây dựng một thương hiệu riêng cho các dự án này bằng các yếu tố về logo, bộ nhận diện thương hiệu, stationery,... những dự án này có thể gây được ấn tượng mạnh mẽ trong mắt người xem. 

Thông qua logo, thông điệp và màu sắc riêng của dự án, mọi người có xu hướng quan tâm và mong muốn tìm hiểu thêm và sâu hơn về nó. Các yếu tố này cũng góp phần tác động và nâng cao nhận thức của họ về thông điệp mà dự án muốn truyền đạt đến cộng đồng. 

Với việc sở hữu riêng cho mình logo truyền tải thông điệp của dự án, cũng như bộ nhận diện thương hiệu mang màu sắc riêng, “Kỳ Bí Đảo Núi Lửa Lý Sơn” đã xây dựng được cho mình một hình ảnh đầy ấn tượng trong mắt người xem về một hòn đảo xinh đẹp của Việt Nam, một dự án cộng đồng hướng tới các giá trị tốt đẹp. 

>>> Khám phá bộ Branding ấn tượng của dự án “Kỳ Bí Đảo Núi Lửa Lý Sơn” 

Có thể nói, Branding giúp tạo dấu ấn và xác định rõ ràng mục tiêu của dự án cộng đồng, giúp định hình giá trị, sứ mệnh của dự án. Từ đó, thu hút sự quan tâm của những người ủng hộ, tình nguyện viên, và các nhà đầu tư. Khi một dự án cộng đồng được xây dựng thương hiệu, nó có khả năng truyền tải thông điệp một cách hiệu quả, tạo ra sự kết nối với mọi người, và thúc đẩy sự hỗ trợ cần thiết cho các dự án có mục đích tốt đẹp. Điều này không chỉ giúp nâng cao nhận thức về những dự án này mà còn lan truyền đi thông điệp tích cực và góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Kết luận 

Branding ngày càng quan trọng với doanh nghiệp, bất kể quy mô hay lĩnh vực hoạt động. Nó giúp xây dựng giá trị, thu hút khách hàng, cạnh tranh hiệu quả, và định hình danh tiếng của doanh nghiệp trên thị trường ngày càng cạnh tranh. Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, Branding còn giúp các dự án cộng đồng, phi lợi nhuận có cho mình hình ảnh riêng, để từ đó được chú ý và biết đến rộng rãi hơn.