VỀ AN GIANG - KHÁM PHÁ NÉT KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO KHMER ĐỘC ĐÁO

Đến với An Giang, chúng tôi như bị vùng đất này bỏ “bùa mê”. Càng yêu thích phong cảnh nơi đây bao nhiêu, chúng tôi càng mê mẩn hơn cái nét huyền bí, đồ sộ của những ngôi chùa Phật giáo Khmer bấy nhiêu. 


Những ngôi chùa Phật giáo Khmer ở An Giang không chỉ mang vẻ đẹp tôn giáo mà còn phản ánh nghệ thuật và tâm hồn của cộng đồng người Khmer. Hãy cùng chúng tôi ghé thăm 3 công trình kiến trúc Phật giáo Khmer nổi bật tại vùng đất thất sơn này. 

Cổng trời Koh Kas - Cánh cổng dẫn vào miền huyền bí

Cổng trời Koh Kas hay Cổng trời Tri Tôn vốn là cổng của ngôi chùa Khmer - Koh Kas hay chùa Tual Prasat, một điểm đến độc đáo ở Tri Tôn, An Giang. Dù chỉ là một phần của ngôi chùa Khmer cổ, công trình này lại có sức hút vô cùng đặc biệt đối với du khách thập phương khi sở hữu vị trí và vẻ đẹp độc đáo. 


Nằm trên đường tỉnh 949, Cổng trời Koh Kas vừa là cổng của ngôi chùa trăm tuổi, vừa là cổng của con đường nhỏ quanh co, bao quanh là ruộng đồng, là núi non trập trùng của Tri Tôn. Cổng nằm cách khu vực chính của chùa một quãng khá xa, nên nếu đi ngang, người ta chỉ thấy mỗi chiếc cổng sừng sững giữa đất trời. 

Khi trời về chiều, khói bếp, khói đốt rơm rạ từ đâu bay lại, hòa cùng ánh sáng yếu ớt cuối ngày, khiến cánh cổng vốn đã mang sẵn nét huyền bí, lại càng thêm mờ ảo. 


Nổi bật với gam màu vàng, đỏ, Cổng trời Tri Tôn mang trong mình nét đặc trưng của kiến trúc Khmer với phần mái cùng các trụ cột được chạm khắc, đắp nổi tỉ mỉ những hoa văn quan trọng trong văn hóa Khmer như thần rắn Naga*, chim thần Garuda*, nữ thần Kâyno***, … 


* Rắn thần Naga: Là một vị thần trong truyền thống văn hóa Hindu và sau đó rất phổ biến trong kinh văn, trong Phật thoại và trong nghệ thuật tạo hình Phật giáo ở hầu hết các quốc gia châu Á


** Chim thần Garuda: Là một con vật linh thiên, có nguồn gốc từ thần thoại Ấn Độ cổ đại, là con vật được thần Vishnu - một trong những vị thần tối thượng của Bà-la-môn giáo, dùng để cưỡi.


*** Nữ thần Kâyno (Apsara): Là những tiên nữ xinh đẹp tuyệt trần, cử chỉ thanh thoát, duyên dáng và múa hát điêu luyện. Họ là vợ của các nhạc công nơi tiên giới Gandharva và thường đàn ca, múa hát cho các vị thần. Apsara còn trở thành tên gọi của một điệu múa nổi tiếng-nghệ thuật múa Apsara.

Trong lần đầu tiên ghé đến công trình độc đáo này, chúng tôi đã không khỏi ngạc nhiên trước hình tượng rắn thần Naga được đắp nổi trong tư thế vươn dài ra, phồng mang nửa như để thể hiện uy quyền, nửa như răn đe những ai tìm đến chốn linh thiêng với tâm niệm không thiện lành. 

Có thể thấy, Cổng Trời Tri Tôn vừa là nơi chứa đựng nét đẹp văn hóa Khmer, vừa là nơi check-in đầy hấp dẫn đối với du khách thập phương. Vì công trình này có sự phối hợp hài hòa giữa nghệ thuật và thiên nhiên, nên khi ánh nắng chiếu qua, những đường nét điêu khắc ở nơi đây như bừng sáng, mang lại cảm giác thiêng liêng cho bất kỳ ai đặt chân tới.

Chùa Tà Pạ - Ngôi chùa “lơ lửng” giữa núi rừng

Nằm trên đỉnh núi Tà Pạ, chùa Tà Pạ hay còn gọi là Chùa Núi hoặc Chùa Chưn - Num, là một trong những ngôi chùa Khmer độc đáo bậc nhất ở An Giang. Sự độc đáo của ngôi chùa này không phải nằm ở đường lối kiến trúc, mà ở chính địa thế khác biệt của mình. 

Chùa Tà Pạ khiến bất cứ ai đến thăm quan, chiêm bái cũng phải kinh ngạc vì sự đồ sộ và hùng vĩ của mình. Có diện tích gần 4.000 m2, chùa nằm cao hơn 45m so với mực nước biển, bao quanh là rừng núi Tri Tôn. Các điện thờ đều được nâng đỡ bởi những cột bê tông cao, vững chắc. 

Chùa có phần mái hình tháp nhọn, nổi bật với hai gam màu cam và xanh, khiến mái chùa trông từ xa như những tấm vải thổ cẩm. Bên cạnh phần mái thu hút với gam màu sặc sỡ, các mảng tường, phần trụ cột hay những bức phù điêu cũng không kém cạnh khi khoác lên mình sắc đỏ và vàng - những gam màu thường thấy ở các ngôi chùa Phật giáo Khmer. 

Chúng tôi tìm đến ngôi chùa độc đáo này khi trời đã chuyển về chiều, vừa leo lên các bậc thang, vừa cảm giác tiết trời Tri Tôn đang dịu lại. Càng gần cuối cầu thang, dáng vẻ uy nghiêm, hùng vĩ của ngôi chùa Phật giáo Khmer này càng hiện ra rõ nét hơn, khiến chúng tôi không thể rời mắt.


Có thể thấy, chùa Tà Pạ không chỉ là nơi tu tập của tôn giáo, tín ngưỡng, mà còn là điểm đến lý tưởng cho những ai mong muốn tìm về với sự thanh thản, bình yên. Vì từ khuôn viên chùa, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn ruộng đồng, đường xá và cây cối trải dài dưới chân núi. 

Chùa Hàng Còng - Lối về bình yên dưới bóng cổ thụ

Nằm ở huyện Tri Tôn, chùa Hàng Còng hay chùa Krăng Krốch thu hút du khách không chỉ bởi giá trị văn hóa Khmer lâu đời mà còn bởi con đường rợp đầy bóng những cây còng mát rượi. 


Hàng cây còng được trồng từ năm 1965 và đã trở thành biểu tượng đặc trưng của ngôi chùa này từ bao giờ. Nhờ những bóng còng đó, ngôi chùa nơi đây mới có được một mái vòm tự nhiên, phủ bóng mát cho cả quãng đường dẫn lối người đến chiêm bái, tham quan, khiến chùa Hàng Còng vốn đã thiêng liêng, thanh tịnh, nay lại càng thêm thanh bình, gần gũi. 


Mang đậm nét đặc trưng của Phật giáo Khmer, chùa Hàng Còng có phần mái cong cao vút, được điêu khắc các hình tượng đặc trưng trong văn hóa Khmer. Tuy quy mô không đồ sộ như nhiều ngôi chùa Khmer khác, chùa Hàng Còng vẫn thu hút người dân địa phương và du khách thập phương với những hoạt động tín ngưỡng và lễ hội quan trọng trong cộng đồng người Khmer như lễ Dolta (lễ cúng ông bà) hay lễ Chol Chnam Thmay (Tết cổ truyền Khmer). 

Có thể nói - với người dân nơi đây, ngôi chùa này không chỉ là nơi gửi gắm niềm tin tâm linh mà còn là điểm tựa văn hóa, kết nối các thế hệ.

Chúng tôi đến lúc chùa đang dịp tu sửa, được tận mắt nhìn thấy các sư sơn sửa lại chùa. Mặc tiết trời Tri Tôn nóng bức, dưới bóng nắng, màu áo cà sa hòa lẫn màu sơn, cứ vậy mà rực rỡ, khiến chúng tôi không thể rời mắt. 

Hành trình tìm đến và thăm quan ba ngôi chùa Khmer ở An Giang đã mang đến cho chúng tôi nhiều giá trị và cảm xúc đặc biệt. Càng tìm về với những công trình mang tính giá trị văn hóa, chúng tôi càng hiểu những ngôi chùa này không chỉ là địa điểm tín ngưỡng quan trọng mà còn là tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Vì dù cùng là những ngôi chùa Phật giáo Khmer, nhưng mỗi nơi lại mang trong mình một câu chuyện riêng, một vẻ đẹp riêng, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa và đời sống của người Khmer Nam Bộ.


Nếu bạn có dịp ghé thăm An Giang, đừng quên dành thời gian để khám phá những công trình độc đáo này và cảm nhận nhiều hơn về sự hòa quyện giữa con người, văn hóa, cùng thiên nhiên nơi vùng đất hiền hòa này.